Những nồi lẩu "hot" nhất Nhật Bản
Không biết các món lẩu ở Nhật Bản được chế biến như thế nào nhỉ?


Các món lẩu ở Nhật Bản thường được nhắc đến với tên gọi chung là nabemono (tên gọi để chỉ những món ăn được chế biến từ hải sản, thịt gà, thịt heo và rau quả bằng cách nấu chúng trong nồi hầm đặt ngay trên bàn ăn). “Ăn cùng nhau” là tính chất đặc trưng nhất của nabemono. Bởi thế, khi thưởng thức nabemono, người Nhật thường hay nói "nabe wo kakomu" – được hiểu là “ngồi quanh nồi”, có ngụ ý rằng nabemono sẽ tạo nên không khí ấm áp cho mọi người khi ăn cùng nhau.
Ở Nhật, có nhiều loại nabemono khác nhau tùy thuộc vào các nguyên liệu làm nên chúng như: hàu, sò, cá tuyết, cá hồi, rùa và phổ biến nhất là gà. Tại mỗi địa phương, nabemono lại có những đặc trưng riêng và đôi khi chỉ được gọi là nabe.


Hai món nabemono nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là yosenabe và mizutaki. Yose có nghĩa là “đặt cùng nhau”. Do đó, cụm từ yosenabe để ám chỉ rằng tất cả nguyên liệu của món lẩu như: thịt gà, cá, trứng, đậu hũ, hải sản và rau đều được nấu chung trong một nồi. Món lẩu này thường được ăn kèm với nước tương miso.
Khác với yosenabe, mizutaki là món lẩu với nước dùng không béo - loại nước dùng được chế biến đơn giản như nấu nước dùng dashi (món nước dùng đun từ rong biển và cá bào). Món lẩu này gồm: thịt gà, rau cải, cá, nấm đông cô và ăn kèm với nước sốt ponzu. Mizutaki được xem là đặc sản tại Fukuoka, nhiều người cho rằng nếu bạn tới Fukuoka mà chưa thưởng thức mizutaki thì coi như chưa từng đặt chân tới đây. Không quá khác biệt so với lẩu Việt Nam, món lẩu mizutaki cũng có điểm tương đồng trong cách thưởng thức, đó là các nguyên liệu khác như: gà, rau, cá, đậu phụ… sẽ được bỏ vào khi nồi lẩu (gồm nước dùng được chế biến từ trước) đang sôi sùng sục ngay trước mắt bạn.


Còn nếu bạn đến Hokkaido thì sẽ không thể bỏ qua món ishikari-nabe - món lẩu gồm cá hồi, củ cải Nhật, hành tây, đậu hũ, bắp cải, tỏi tây và nấm đông cô. Hay đến quận Tohoku, Tokyo thì lại có món kiritanpo-nabe gồm các thành phần như kiritanpo (món cơm sau khi được nấu chín, được giã đến hơi nát rồi bọc xung quanh que gỗ và đem nướng), thịt gà, cây ngưu bàng, rau mùi tây và tỏi tây.

Nếu có cơ hội đến huyện Kanto thì chắc chắn phải thưởng thức houtou-nabe đấy nhé! Đây là món lẩu mỳ rau củ có hương vị rất đặc biệt gồm: bí đỏ, cải bắp Trung Quốc, cà rốt, khoai môn và mỳ houtou. Ở các huyện trung du Nhật Bản thì momiji-nabe là món nổi tiếng hơn cả với các nguyên liệu như: thịt nai, cây ngưu bàng, nấm đông cô, tỏi tây, đậu phụ và rau xanh.




Món lẩu mỳ ankake udon – được xem như cách ăn đặc biệt của mỳ Udon vào mùa đông

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực
Bình luận