Bóng bì lợn

Giá trị dinh dưỡng

Bóng bì lợn còn có tên khác là trư phu, là phần da lợn được cạo hết lông bên ngoài và lớp mỡ bên trong, phơi khô và nướng phồng

Công dụng

Theo Đông y, bóng bì vị ngọt, tính bình; vào thận phế. Có tác dụng nhuận phế, trạch phu (bổ phế dưỡng da), bổ âm. Dùng cho các trường hợp khô rát, bong da, đau sưng họng. Các món ăn có bóng đều có tác dụng dưỡng da, nhuận tràng.

Cao bì lợn: Bì lợn 60 g, cạo sạch, hơ trên bếp than cho chín phồng, đem nấu thành cao lỏng, thêm bột gạo rang và mật nấu thành cao. Ăn khi đói, mỗi lần 1 thìa, ngày 3-4 lần. Món này tốt cho người bị khô rát da, bong da mặt, mặt nhiều nếp nhăn, đau sưng họng, môi khô họng khát, nóng sốt sau bệnh viêm nhiễm dài ngày, táo bón kiết lỵ.

Canh bì lợn đại táo: Bì lợn tươi 300 g, đại táo 150 g, đường phèn liều lượng thích hợp. Bì lợn làm sạch thái lát dài, thêm nước nấu canh, khi bì lợn đã chín nhừ cho thêm đại táo (đã tách bỏ hạt), tiếp tục nấu cho chín nhuyễn; cho tiếp đường phèn khuấy đều, để nguội. Chia ăn vào các bữa phụ điểm tâm thường ngày. Món này có tác dụng bổ khí sinh huyết, thích hợp cho người bị xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng...

Bóng hầm đu đủ: Bóng bì 200 g, đu đủ xanh 300 g. Bì lợn làm sạch thái lát dài; đu đủ gọt bỏ vỏ, bỏ hạt, thái miếng, thêm gia vị vừa đủ, đảo đều, để 15-20 phút, hầm chín. Món này tốt cho người bị bứt rứt khó chịu, đầy nóng bụng, táo bón, ăn uống không được...

Canh bóng bì: Bóng bì 100-200 g, thịt nạc 150-300 g, xương ống 500 g, tôm 100-200 g, đậu Hà Lan 100-150 g, nấm hương 50 g, cà rốt 50-100 g, súp lơ 100-150 g, gia vị: bột ngọt, rượu trắng, gừng tươi, dầu ăn, mắm... Có nhiều cách nấu canh bóng. Đây là món ăn tổng hợp đầy đủ chất dinh dưỡng nên có tính bổ dưỡng cao; rất tốt cho người già suy nhược và sản phụ.

Lưu ý khi sử dụng

Không dùng bóng bì khi có thực nhiệt (nhiễm khuẩn, sốt cao). Bóng bì khi chế biến thường được ngâm nước cho mềm, tẩy bằng rượu trắng và gừng cho hết mùi hôi. Để làm bóng phải chọn bì lợn ngon, không được dùng bì lợn sề, lợn già...