Trứng gà
Giá trị dinh dưỡng
Trứng, của các loài động vật đẻ trứng (loài chim, loài bò sát, loài cá) được con người sử dụng làm nguồn thức ăn cung cấp protein. Bề ngoài của trứng thường có hình bầu dục, hai đầu không cân bằng, một to một nhỏ. Các loại trứng phổ biến nhất là trứng gà, trứng vịt và trứng cút.
Trứng gà là loại trứng được sử dụng nhiều nhất do hàm lượng dinh dưỡng giàu có của nó và do năng suất đẻ trứng cao của gà. Cấu tạo của trứng gà, cũng giống với trứng của loài chim nói chung và loài bò sát, về cơ bản được chia làm 4 bộ phận: lòng đỏ, lòng trắng, màng vỏ và vỏ trứng. Đối với gà, lòng đỏ chiếm khoảng 31,9% khối lượng, lòng trắng là 55,8%, vỏ cứng là 11,9% và màng vỏ là 0,4%. Trứng chứa một lượng protein rất lớn, do đó, trứng thường được xếp vào nhóm Thịt trong Kim tự tháp dinh dưỡng (Food Guide Pyramid). Trứng gà có hai loại: vỏ nâu và vỏ trắng. Tùy vào giống gà mà trứng gà có kích thước và hàm lượng dinh dưỡng chênh lệch một chút.
Hơn một nửa lượng calories có trong trứng là từ lòng đỏ. Lượng chất béo chiếm tới 10% khối lượng trứng, trong đó 27% là chất béo hòa tan (saturated fat). Lòng đỏ trứng hầu như không chứa chất béo, chỉ gồm nước (87%) và protein (13%). Do vậy, có rất nhiều nghiên cứu và tranh cãi về vấn đề gây ra cho sức khỏe con người khi sử dụng quá nhiều lòng đỏ trứng.
Có rất nhiều cách chế biến trứng để làm thức ăn: ăn sống, rán, hấp, chưng, luộc, kết hợp với nguyên liệu thực phẩm khác. Ngoài ra, có trứng muối, trứng bách thảo, trứng ngâm giấm.
Công dụng
Trứng gà ngoài việc được dùng làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, sẵn có, rẻ và dễ chế biến, hàm lượng dinh dưỡng của nó có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người.
Bảo vệ gan: Protein trong trứng gà dễ được cơ thể hấp thụ, có thể làm tăng lượng protein huyết tương trong cơ thể, tăng chức năng trao đổi chất của các cơ và hệ miễn dịch, có tác dụng khôi phục các tế bào gan bị tổn thương. Lecithin trong trứng gà còn thúc đẩy tái tạo gan.
Phòng chống ung thư: Vitamin B2 trong trứng gà có tác dụng phân hủy và oxy hoá các chất gây ung thư trong cơ thể. Ngoài ra các yếu tố vi lượng trong trứng gà như selen, kẽm cũng có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Tăng cường trí não: Lòng đỏ trứng cũng rất giàu axetylcholin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của não bộ.
Phòng ngừa các bệnh về mắt: Chất lutein và zeaxanthol trong trứng gà có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, cộng thêm tác dụng chung của superoxide dismutase, có thể giảm mức độ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể.
Đặc biệt, phụ nữ thường dùng trứng gà để làm đẹp: Lòng trắng hay lòng đỏ trứng gà đều có tác dụng tuyệt vời trong việc làm đẹp da với những khả năng thần kỳ như chống lão hóa, làm trắng da, giữ ẩm cho da, se khít lỗ chân lông và có tác dụng dưỡng tóc.
Cách chọn
Vỏ trứng: Trứng mới, tốt thì thường vỏ ngoài có lớp phấn mỏng màu trắng, hơi ram ráp và nặng tay. Còn nếu vỏ quá nhẵn bóng, sáng, hoặc có cảm giác là có vết rạn nứt là trứng gà để lâu trong ổ, kém chất lượng.
Soi: Cầm quả trứng gà soi qua bóng đèn, hoặc dùng một quyển vở hay tờ báo cuộn lại, soi trứng dưới ánh sáng mặt trời. Nếu thấy buồng khí của trứng còn nhỏ, lòng đỏ không di động, lòng trắng trong suốt có màu cam đỏ và hồng nhạt, lòng đỏ tròn và nằm ở giữa hoàn chỉnh, thì đó là trứng tươi, còn mới.
Trứng cũ để lâu ngày khi soi, thường thấy có màu đỏ với nhiều đường vân, đường bao quanh di động và khoảng trống của buồng khi lớn.
Lắc nhẹ: Cầm quả trứng để lên tai và khẽ lắc nhẹ, nếu có tiếng động là trứng kém, để lâu ngày. Nếu không cần nghe mà lắc thấy trứng chuyển động mạnh là trứng hỏng, trứng gà đang ấp dở…
Kiểm tra: Nếu có điều kiện, bạn có thể thả trứng xuống chậu nước và quan sát, nếu thấy đầu nhọn của trứng chúc xuống là trứng tốt, ngược lại là trứng cũ. Hoặc kiểm tra trứng với nước muối. Thả trứng vào nước muối (100g/lit), nếu trứng nổi là trứng cũ, chìm xuống là trứng tốt.
Phân biệt trứng giả: Đập trứng ra ngửi thấy mùi tanh tự nhiên là trứng thật còn nếu thấy mùi lạ (chua, hôi, hóa chất) thì đó là trứng giả, cũ…
Phân biệt trứng gà bị tẩy trắng: Trứng gà công nghiệp to hơn, có trọng lượng từ 55 - 60g, trong khi trứng gà ta bé hơn, chỉ nặng trên dưới 45g. Trứng gà tẩy trắng có màu trắng hơi phớt hồng, vỏ xù xì trông như có lớp bụi trắng phủ lên, không bóng và quá sạch sẽ. Trong khi trứng gà ta thật có màu trắng tự nhiên và có thể có vết bẩn dính trên vỏ.
Bảo quản
Sau khi mua về, cần nhanh chóng cho trứng vào tủ lạnh. Đặt trứng trong hộp đựng làm bằng giấy carton hoặc nhựa mềm vì trứng rất dễ hấp thu mùi của tủ lạnh. Trứng tươi có thể để lạnh được khoảng 5 tuần sau khi được đóng gói. Nếu trên bao bì của hộp trứng không ghi rõ ngày đóng gói, có thể giữ lạnh chúng trong khoảng 3 tuần kể từ khi mua về.
Cho lòng trắng trứng còn sống vào hộp nhựa và đậy kín rồi giữ lạnh chúng để bảo quản trong khoảng 4 ngày. Cũng có thể đặt chúng vào ngăn đông và trữ trong khoảng 1 năm.
Đối với lòng đỏ trứng chưa bị vỡ và đã cho thêm nước, hãy cho chúng vào hợp nhựa có nắp kín để giữ lạnh trong 2 ngày, không nên giữ đông lòng đỏ trứng.
Để làm đông toàn bộ quả trứng, bạn cần trộn đều lòng đỏ và lòng trắng rồi cho hỗn hợp này vào hộp nhựa kín và đặt vào ngăn đông, bảo quản được trong khoảng 1 năm.
Trứng đã luộc chín và còn vỏ có thể giữ lạnh để dùng trong vòng 7 ngày.
Lưu ý khi sử dụng
Trứng được xếp vào loại có nguy cơ gây dị ứng cao nhất đối với trẻ em: Đối với trẻ dưới 12 tháng thì trẻ có thể bị dị ứng ngay sau khi ăn trứng, nhất là những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và bắt đầu ăn dặm. Do vậy, chỉ nên bổ sung trứng cho trẻ khi trẻ trên 12 tháng tuổi. Với người lớn, do trứng không tốt cho tim mạch, do đó chỉ nên ăn tối đa chỉ 7 quả trứng trong một tuần, hoặc 4 quả trong một tuần theo tổ chức Tim mạch của Anh hoặc không nên ăn không quá 10 quả trứng một tuần theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ăn trứng sống không những không vệ sinh, dễ nhiềm trùng, mà còn ít có dinh dưỡng: Trong trứng sống có chứa avidin, ảnh hưởng đến hấp thu biotin trong thức ăn, dễ gây ra triệu chứng thiếu biotin như mất cảm giác ngon miệng, toàn thân yếu ớt, đau cơ, viêm da, rụng lông mày. Cấu trúc protein trong trứng sống rất chặt chẽ và có chứa antitrypsin, phần lớn không được cơ thể hấp thu, chỉ có protein sau khi được nấu chín mới mềm đi, mới có lợi hơn cho cơ thể hấp thu, tiêu hóa. Ngoài ra, trứng sống cũng có vị tanh đặc biệt, có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương, làm giảm tiết dịch tiêu hóa như nước bọt, dịch dạ dày và dịch ruột non, từ đó gây cảm giác không ngon miệng, khó tiêu. Do đó, trứng cần được nấu chín ở nhiệt độ cao trước khi ăn, không nên ăn trứng sống.
Màu sắc vỏ trứng không quyết định mức độ dinh dưỡng của quả trứng: Màu sắc vỏ trứng chủ yếu do chất porphyrin ở vỏ quyết định, mà chất này hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng. Phân tích cho thấy, giá trị dinh dưỡng của trứng cao hay thấp là do chế độ ăn uống của gà quyết định.
Giá trị dinh dưỡng khác nhau tùy theo cách chế biến trứng: Tỷ lệ hấp thu và tiêu hóa dinh dưỡng từ trứng gà như sau: Trứng luộc, hấp là 100%, chiên non là 98%, trứng rang là 97%, trứng chần nước sôi là 92,5%, trứng chiên già là 81,1%, ăn sống là 30% – 50%. Do đó, trứng luộc, hấp là cách ăn tốt nhất.
Không nên luộc, rán trứng quá lâu: Luộc trứng càng lâu, các ion kim loại trong lòng đỏ và các ion lưu huỳnh trong lòng trắng sẽ hình thành chất sunfua kim loại rất khó hấp thu. Rán trứng quá già, rìa mép sẽ bị cháy, protein cao phân tử ở lòng trắng sẽ biến thành axit amin thấp phân tử, loại axit amin này trong điều kiện nhiệt độ cao có thể hình thành chất hóa học có hại cho sức khỏe con người.
Luộc trứng gà với đường trắng, sẽ làm cho axit amin trong lòng trắng trứng hình thành chất kết hợp của fructose lysine. Chất này khó hấp thu và gây hại cho sức khỏe.
Không nên dùng bột ngọt khi rán trứng, hương vị do bột ngọt phân hủy sẽ làm hỏng hương vị tự nhiên của trứng.