Vì sao trẻ sợ đi học? Thì ra là chứng “rối loạn lo âu chia ly"
Chị Phương Thanh (Quận Hoàng Mai – Hà Nội) gần như phát điên với đứa con gái 4 tuổi của mình. Suốt thời gian học lớp mẫu giáo, chị đã phải vất vả thế nào khi bé không chịu đi học, không chịu hòa đồng với bạn bè trong lớp, chỉ cần đón con trễ vài phút là bé khóc lóc dữ dội, nghĩ là bị mẹ bỏ rơi.
Tưởng con hư, thì ra con bệnh!
Trẻ quấy khóc khi đi học, tưởng con hư, hóa ra con bị bênh
Để đảm bảo kinh tế cho gia đình, chị Phương Thanh đã đề nghị chồng cho mình đi làm tại một công ty ở Hà Nội, đứa con gái lớn thì cho đi lớp để bé dạn dĩ hơn. Thế nhưng chẳng hiểu sao, vừa nghe thấy bố mẹ nói đến chuyện đi học, bé đã tỏ vẻ không hài lòng, quấy khóc, gào thét, nói mẹ căm ghét, muốn bỏ mình nên mới cho đi học. Những ngày đầu, cô giáo chủ nhiệm cho biết bé khóc liên tục, chỉ đứng ở cửa chờ mẹ đón, không tham gia bất kỳ hoạt động vui chơi nào. Do quá căng thẳng và cảm thấy có chuyện chẳng lành, chị Phương Thanh đã đưa bé đến gặp bác sĩ tâm lý. Qua một vài trắc nghiệm nhỏ, bác sĩ khẳng định rằng bé không hề hư mà đang mắc phải một vấn đề về tâm lý mang tên “rối loạn lo âu chia ly”
Cũng trong buổi sinh hoạt chia sẻ về những khó khăn trong học tập của trẻ do Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 tổ chức gần đây, ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý của BV đã trải lòng và nhớ về một trường hợp tương tự. Đó là một bé trai 12 tuổi, từ nhỏ hễ đi học là khóc lóc, bám lấy mẹ, không chịu rời nửa bước, đặc biệt sợ người lạ, không muốn ra ngoài, không hề có bất kỳ người bạn nào khác. Ban đầu bố mẹ cháu chỉ nghĩ rằng con mình tính tình nhút nhát, không hòa đồng. Sự việc xảy ra trong khoảng 7 năm, mãi sau này mới biết bé đang mắc chứng “ám ảnh sợ xã hội" vô cùng đáng sợ.
Chứng “rối loạn lo âu chia ly” khiến trẻ có cảm giác sợ hãi và bỏ rơi
Cũng theo bác sĩ, các chứng bệnh như: rối loạn lo âu chia ly, ám ảnh sợ xã hội hay những rối loạn cảm xúc khác như phản ứng stress cấp, câm nín chọn lọc, rối loạn hoảng loạn, rối loạn tính khí, rối loạn thích ứng, trầm cảm…đều là nguyên nhân chính khiến trẻ không chịu đi học, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và kết quả học tập của trẻ. Bác sĩ cũng cho biết, khi nói chuyện thân mật với các cháu mắc phải chứng bệnh này mới hay chúng rất sợ rằng khi đi học, bố mẹ ở nhà sẽ bỏ đi, bị tai nạn, bị bệnh…Thậm chí nỗi ám ảnh này còn in sâu vào trong từng giấc ngủ.
Những nguyên nhân khiến trẻ sợ đi học
Ngoài yếu tố bệnh lý như đã nói ở trên thì việc trẻ sợ đi học còn ảnh hưởng bởi những vấn đề khác như: thay đổi môi trường (Ví dụ như đang ở nhà bắt đầu đi học hoặc chuyển từ cấp 1 sang cấp 2) hoặc trẻ bị gặp một vấn đề gì đó ở trường (bị bắt nạt, trêu chọc, sợ bị thầy cô đánh giá…).
Cuộc trò chuyện đó nên nhẹ nhàng, giống như cuộc nói chuyện giữa hai người bạn sẽ giúp trẻ rũ bỏ được tâm lý nặng nề
Với trường hợp trẻ chuẩn bị đi học hoặc chuyển từ cấp 1 lên cấp 2, các bậc phụ huynh hãy nhẹ nhàng giải thích cho bé về những điều sẽ xảy ra như: Được gặp bạn mới, cô giáo mới, được chơi nhiều trò chơi cùng bạn bè, tốt nhất là dùng tranh ảnh, truyện tranh để giải thích cho bé hiểu “đi học” là như thế nào. Với trẻ chuyển cấp thì hãy giúp bé chuẩn bị tâm lý trước rằng ở đây mỗi cô giáo dạy 1 môn khác nhau và con sẽ có nhiều bạn bè mới.
Thông thường trẻ sẽ thích nghi với môi trường này trong 2 tuần. Nếu quá 2 tuần mà trẻ vẫn quấy khóc, không chịu đi học, không chịu hợp tác với nhà trường, thầy cô đồng thời có dấu hiệu lo âu, ám ảnh, sợ hãi thì nên cho trẻ đi khám tâm lý. Bên cạnh đó, với tình huống trẻ gặp rắc rối trong các mối quan hệ ở trường thì nên bình tĩnh xem xét sự việc và giải quyết triệt để.
Nguồn: 24h
Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình
Bình luận