Bạch tuộc

Giá trị dinh dưỡng

Bạch tuộc là một loại sinh vật thân ngắn, mềm, hình ôvan, sống dưới đáy biển. Có khoảng 289 đến 300 loài bạch tuộc. Bạch tuộc có 8 cánh tay (không phải xúc tu). Những cánh tay này là một kiểu buồng thủy tĩnh học cơ bắp. Không như đa số những động vật thân mềm khác, phần lớn loài bạch tuộc trong phân bộ Incirrina có những thân thể trọn vẹn mềm mà không có bộ xương trong. Chúng không có vỏ ở ngoài bảo vệ như ốc hay bất kỳ vết tích nào của vỏ hoặc xương bên trong, như mực biển hay mực ống. Một vật giống như mỏ vẹt là bộ phận cứng cáp duy nhất của bạch tuộc. Nó giúp loài bạch tuộc len qua những kẽ đá ngầm khi chạy trốn kẻ thù. Những con bạch tuộc trong phân bộ Cirrina có hai vây cá và một vỏ bên trong làm bớt đi khả năng chui vào những không gian nhỏ. 

Bạch tuộc có vòng đời tương đối ngắn, có loài chỉ sống được 6 tháng. Loài bạch tuộc khổng lồ ở Bắc Thái Bình Dương có thể sống tới 5 năm trong điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, sinh sản là một trong những nguyên nhân gây ra sự ngắn ngủi của vòng đời: những con bach tuộc đực có thể chỉ sống được vài tháng sau khi kết bạn, và những con bạch tuộc cái chết không lâu sau khi ổ trứng nở. Bạch tuộc có đến 3 trái tim. Hai trái tim bơm máu xuyên qua hai mang trong khi trái tim thứ ba bơm máu đi khắp thân thể.

Công dụng

Bổ sung chất dinh dưỡng: Thịt bạch tuộc tươi có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp nhiều vitamin thiết yếu như A, B1, B2, C và một số loại khoáng chất như phốt pho, canxi, sắt, đồng, kẽm, iốt… rất tốt cho sự phát triển của cơ thể và trí não. Ngoài ra, thịt bạch tuộc lại chứa ít chất béo, phù hợp với những người chơi thể thao, người muốn giảm cân.

Tăng cường sức đề kháng: Thịt bạch tuộc chứa dồi dào canxi, kali, phốt pho, vitamin và một số axit béo omega-3 nên có khả năng tăng cường sức đề kháng, giúp ngăn ngừa bệnh.

Tốt cho hệ tiêu hóa: Thịt bạch tuộc chứa nhiều selenium nên có tác dụng tốt trong việc chuyển hóa protein để quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, selenium cũng hoạt động như chất chống oxy hóa, có thể loại trừ các gốc tự do gây hại cho cơ thể.

Theo Viện Linus Pauling (Mỹ), cơ thể chúng ta cần 55 microgram selenium mỗi ngày, trong khi 85 g bạch tuộc có thể cung cấp khoảng 75 microgram dưỡng chất này.

Tăng cường trao đổi chất: Trong thịt bạch tuộc chứa nhiều vitamin B12 - khoáng chất cần thiết cho sự trao đổi chất, tạo ra các tế bào máu đỏ mới và hỗ trợ chức năng não bộ hàng ngày. Cơ thể chúng ta cần trung bình khoảng 2,4 microgram vitamin B12 mỗi ngày, tiêu thụ 85 g bạch tuộc sẽ thu được 30 microgram vitamin B12.

Cách chọn

Xem bạch tuộc có năng hoạt động hay không : Bạch tuộc tươi sống là phải bò lổm ngổm, cựa quậy tưng bừng, những con không ngon thường nằm im một chỗ lừ đà lừ đừ.

Xem thân : Thân phải chắc 1 chút, người sờ vào không được lõng bõng nước.

Xem mắt : bạch tuộc tươi tròng mắt sẽ long lanh, bạch tuộc ươn thì tròng mắt đục ngầu.

Để ý lưng : Lưng phải trơn, bóng có ánh lên màu xanh.

Để ý bụng : bạch tuộc tươi sống bụng thường trắng sáng, còn bạch tuộc yếu thì bụng thường trắng đục ngà.

Ngửi mùi : mùi vị của bạch tuộc sống khỏe thường đậm mùi biển, bạch tuộc sắp chết thì hơi dậy mùi và hơi khó ngửi.

Nên chọn các con bạch tuộc cỡ vừa bằng bàn tay thì thịt sẽ tươi và ngon hơn.

Bảo quản

Nếu ăn ngay, khi mua về ta nên để ngăn mát rồi chế biến sau vài giờ.

Nếu muốn để lâu hơn ta nên để trong tủ đông để tránh ôi thiu và mất dinh dưỡng.

Lưu ý khi sử dụng

 Bạch tuộc cũng tương tự như các loại hải sản khác, nhiễm ký sinh trùng ít được ghi nhận, nhưng vẫn có thể nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác, nếu vệ sinh, bảo quản không tốt. Do đó, không nên ăn gỏi bạch tuộc, chỉ nên ăn bạch tuộc nướng hoặc nấu chín.

Tuy nhiên không phải bạch tuộc loại nào cũng ăn được. Bạch tuộc đốm xanh (blue-ringed octopus) đã từng gây chết người ở Bình Thuận. Bạch tuộc loại này chứa độc tố tetrodotoxin cực độc (giống như ở cá nóc), nấu chín không phân hủy được độc tố. Độc tố trong một con bạch tuộc 25 gr đủ làm chết 10 người.